TTO - Tại hội nghị giảm thời gian chờ khám, cải thiện nhà vệ sinh bệnh viện được Bộ Y tế tổ chức ngày 18-5, bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến “gây bão” với phát biểu: "Nhà vệ sinh bẩn tức là giám đốc (bệnh viện) bẩn, trưởng khoa bẩn!".

TTO - Tại hội nghị giảm thời gian chờ khám, cải thiện nhà vệ sinh bệnh viện được Bộ Y tế tổ chức ngày 18-5, bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến “gây bão” với phát biểu: "Nhà vệ sinh bẩn tức là giám đốc (bệnh viện) bẩn, trưởng khoa bẩn!".

Gạch sàn nhà vệ sinh ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (Q.5) bong tróc - Ảnh: XUÂN MAI

Bộ trưởng cho biết kết quả đánh giá độc lập về mức độ hài lòng của người bệnh thì nhà vệ sinh bệnh viện (NVSBV) bị kêu nhất, toàn quốc còn gần 19% không đạt yêu cầu. Thực tế con số này còn có thể cao hơn.

Chuyện chẳng ai muốn nói

Bộ trưởng Tiến đã nói với hàng trăm giám đốc BV tham dự hội nghị: NVS chuẩn là phải có riêng cho nam và nữ, nền nhà phải khô sạch, khu bồn cầu phải có giấy và giỏ rác, có gương, bồn rửa và xà bông rửa tay, mà không được là xà bông cục do ở BV xà bông cục cũng bẩn. Nếu lịch sự thì có thêm máy sấy tay...

Một giám đốc BV ngồi dưới phàn nàn sao hàng trăm ông giám đốc ngồi đây để nghe về NVSBV, nhưng rất nhiều ý kiến xung quanh đã phản bác, giám đốc phải ngồi nghe vì NVSBV quá bẩn. Các BV cũng có những NVS sạch, nhưng số lượng rất ít, ngoài cửa có khóa và dòng chữ: dành cho nhân viên.

Ông Nguyễn Bá Tịnh, giám đốc BV Đa khoa huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, thừa nhận có đến 50% NVS của BV ông chưa đạt yêu cầu.

Nhưng vì sao lại thiếu nhiều thứ để đạt chuẩn như vậy? Một trong những lý do được đưa ra là số lượng bệnh nhân quá đông mà NVS lại ít. Thứ hai là BV không dám cung cấp giấy và xà bông cho khu vệ sinh chung của bệnh nhân, vì cứ đưa ra là mất (!).

"Sau này chúng tôi sẽ cung cấp xà bông dạng dung dịch để trong bình gắn vào tường như ở khách sạn" - ông Trần Văn Thuấn, giám đốc BV K, chia sẻ.

Nếu NVS là nơi thông thường nhất mà chưa sạch thì khi chấm điểm BV không thể để mức cao. "Phải hướng dẫn ngay cho các giám đốc ở đây để làm theo NVS sạch là thế nào, nếu BV để người bệnh chờ lâu, NVS bẩn dứt khoát là không được điểm cao" - bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định.

Theo ông Trần Văn Thuấn, ngay sau hội nghị này BV K sẽ tiến hành cải tạo, sửa chữa NVS ở cả ba cơ sở của BV, các NVS sẽ theo chuẩn và dự kiến tháng 6 sẽ hoàn tất để đưa vào sử dụng.

Ông Lê Ngọc Thành, giám đốc BV E, cho hay BV cũng đã đầu tư hai khu vệ sinh công cộng cho người nhà bệnh nhân và đều rất sạch, đều đạt chuẩn. "Tôi đã mời bộ trưởng vào thăm khu vệ sinh công cộng đó rồi" - ông Thành cho hay.

Tại Bệnh viện Q.Gò Vấp (TP.HCM), nhân viên luôn túc trực lau dọn - Ảnh: HOÀNG LỘC

Cần cộng tác của người bệnh

Bà Sáu (lao công tại một BV ở TP.HCM) cho biết có nhiều bệnh nhân hoặc người nhà rất thiếu ý thức. Mặc dù có bảng hướng dẫn, thậm chí nhắc nhở trực tiếp nhưng họ không thực hiện đúng quy định, như không xả nước, khạc nhổ, vứt rác bừa bãi.

"Tôi có nhắc mấy lần thì bị người ta chửi thẳng vào mặt mắc mớ gì mà xía vô. Nhiệm vụ của vệ sinh là phải dọn" - bà Sáu bức xúc nói.

Tại BV Đa khoa tỉnh Kiên Giang, chị T. - một trong số bốn nhân viên dọn vệ sinh tại đây - cho biết phổ biến nhất ở người dùng là bỏ giấy vào bồn cầu gây nghẹt, bỏ rác bừa bãi, giặt đồ rồi phơi tùy tiện, quên giội nước vẫn xảy ra thường xuyên. Dù ngay trước cửa vào và bên trong mỗi NVS đều có dán giấy nhắc nhở nhưng cũng không ăn thua.

Bác sĩ Nguyễn Văn Sơn, phó giám đốc BV, cho biết hiện đơn vị này có khoảng 42 NVS, quá ít so với lượng bệnh nhân và người nhà đi cùng có khi lên đến cả ngàn người.

TP.HCM: có chăm chút, người bệnh hài lòng

Sáng 18-5, vừa bước chân từ NVS ở khoa khám bệnh tại BV Gò Vấp ra, bà T.V.H. (54 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) nói ngay: "Sạch quá chừng, chưa thấy NVS của BV nào lại sạch như thế".

BV Q.Gò Vấp có 1 trệt 2 lầu nhưng có đến 12 NVS dành cho người bệnh (chưa kể NVS ở khoa, phòng) đủ thành phần nam, nữ, nhi và người khuyết tật, có bồn tiểu, phòng tắm, bồn rửa mặt, gương lớn và kệ để các loại xà bông rửa tay. Tại một số bồn rửa mặt BV này còn thiết kế các chậu cây cảnh xinh xắn khiến không gian BV như... ở nhà.

Bác sĩ Phạm Hữu Quốc - giám đốc BV Q.Gò Vấp - cho biết mỗi tháng BV phải trả chi phí trung bình từ 98-110 triệu đồng cho một công ty vệ sinh. Ngoài ra, đơn vị luôn có một bộ phận công tác xã hội để giám sát nghiêm công tác vệ sinh.

Quá trình xây dựng BV lường trước được nhu cầu của người bệnh để xây dựng những loại NVS phù hợp. "Từ khi chúng tôi thiết kế hệ thống NVS này bệnh nhân tỏ ra rất hài lòng về chất lượng NVS" - bác sĩ Quốc chia sẻ.

Tại một NVS của BV quốc tế ở Q.Bình Thạnh, chúng tôi gặp một nữ nhân viên dọn vệ sinh ăn mặc lịch sự, tóc búi gọn gàng, tay đeo găng đang thu gom rác, mặc dù rác trong túi không nhiều.

"Cứ 15 phút chúng tôi lại đến thu gom rác, thay túi đựng rác, lau sàn, lau kính, xịt hương thơm..." - nhân viên vệ sinh cho hay.

Trái ngược với hình ảnh trên, nhiều người bệnh khi đến điều trị tại BV Nguyễn Tri Phương (Q.5) đều sợ khi... đi vệ sinh.

Trưa 18-5, khi chúng tôi vào NVS của BV thì bắt gặp cảnh ai nấy đều bước rất vội vàng, tay bịt mũi mặc dù đã có khẩu trang. Bước vào bên trong một NVS nữ thấy nền gạch nứt nẻ, thùng nhựa chứa rác thải đã vun đầy nhưng không có người thu dọn.

Vợ chồng chị T. (quê Bình Thuận) đưa con vào BV chữa bệnh gần được một tháng. Chị T. nói điều mà hai vợ chồng ngán ngẩm không phải chỗ ngủ mà là NVS của BV.

"Khi quá gấp hai vợ chồng tôi mới vào NVSBV, còn những lần khác thì vào các cửa hàng tạp hóa lân cận mua dăm ba vật dụng cần thiết nhưng mục đích chính là đi vệ sinh cho sạch sẽ" - chị T. cho hay.

Theo BS CKII Võ Đức Chiến - giám đốc BV Nguyễn Tri Phương, áp lực các BV công rất lớn, hằng ngày tiếp nhận hàng trăm ca, cùng với đó là người nhà bệnh nhân nên gây ra tình trạng quá tải trong khâu vệ sinh.

Giảm chờ đợi bằng công nghệ

Tại hội nghị, bà Tiến cũng yêu cầu các BV nhanh chóng ứng dụng CNTT để giảm thời gian chờ khám bệnh, bằng cách cho đặt lịch hẹn khám qua mạng, qua điện thoại, không để người bệnh phải chờ hàng giờ mới đến lượt khám, rồi chờ cả giờ để được xét nghiệm rồi lại chờ lấy kết quả...

"Bệnh nhân nhịn ăn sáng để xét nghiệm, nếu để họ chờ quá lâu đến 11h trưa thì họ mệt lắm" - bà Tiến nói.

Ông Trần Quý Tường, cục trưởng Cục CNTT, chia sẻ: "Thói quen nhiều người bệnh là cứ đến khám, không cần hẹn lịch, nhưng khó đến mấy cũng phải bắt đầu, không nên để người bệnh ngồi chờ đông và kéo dài".

Cần Thơ: vẫn còn điểm chưa tốt

Ông Nguyễn Hoàng Tươi - phó phòng hành chính quản trị BV Đa khoa TP Cần Thơ - cho biết do BV mới đưa vào hoạt động gần đây, thiết kế theo tiêu chuẩn BV hiện đại nên ở mỗi phòng bệnh đều có NVS riêng, khu vực khám bệnh cũng có dãy NVS nam, nữ riêng biệt.

Đối với vấn đề vệ sinh chung của BV, bao gồm tất cả các khoa phòng, hệ thống NVS... BV đưa vào đấu thầu hằng năm, BV có tổ kiểm tra giám sát chấm điểm tại từng khoa, phòng.

Tại BV Đa khoa trung ương Cần Thơ, bác sĩ Nguyễn Minh Nghiêm - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp (kiêm người phát ngôn BV) - cho biết vấn đề vệ sinh BV cũng thực hiện theo hình thức đấu thầu 2 năm/lần. Nhân viên công ty vệ sinh thực hiện không đạt sẽ phải làm lại.

Từng phòng bệnh tại các khoa cũng có NVS riêng cho bệnh nhân và thân nhân, hằng ngày nhân viên công ty này đều dọn vệ sinh. Khi có hư hỏng thì nhân viên báo về phòng hành chính sẽ tiến hành sửa chữa ngay.

Tuy nhiên, khu vực NVS tại các BV này cũng có khi chưa được sạch sẽ do ý thức của một số người chưa tốt, phục vụ cho mọi đối tượng nên đôi lúc có phát sinh mùi hôi và vệ sinh chưa đảm bảo, nhân viên chưa kịp lau dọn.

L.ANH - H.LỘC - X.MAI - T.LŨY - K.NAM

 

Nguồn tin : Báo TUỔI TRẺ