Hội thảo quốc tế “Ứng dụng công nghệ cao và phát triển bền vững sữa tuơi sạch tại Việt Nam”
(Hội thảo quốc tế “Ứng dụng công nghệ cao và phát triển bền vững sữa tuơi sạch tại Việt Nam”)
Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2012, tổng đàn bò Việt Nam đạt khoảng 167.000 con. Trong đó có trên 120.000 con đang nuôi chủ yếu tại nông hộ gia đình, năng suất sữa thấp và tận dụng nuôi bằng các phụ phẩm trồng trọt là chính, do đó chất lượng sữa nguyên liệu cũng chưa đảm bảo.
Theo Bộ NNPTNT, mặc dù tiêu chuẩn chất lượng sữa mua vào do các nhà máy đưa ra không cao nhưng vẫn có từ 20-50% số sữa không đạt một trong các tiêu chuẩn chất lượng.
Nguồn nguyên liệu đầu vào thiếu nên đa số nguyên liệu để sản xuất sữa trong nước là nhập khẩu từ nước ngoài, ngành sữa luôn nhập siêu cả về khối lượng lẫn kim ngạch. Việt Nam thuộc nhóm 20 nước nhập khẩu sữa nhiều nhất thế giới, mỗi năm nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn sữa các loại, chủ yếu là sữa và kem cô đặc, pha chế.
Trong dòng sữa nước, trên 70% sử dụng là sữa hoàn nguyên (pha lại) có nguyên liệu từ sữa bột nhập. Về chất lượng không thể so sánh với sữa tươi sạch, nhưng nghịch lý là sữa hoàn nguyên đôi khi còn đắt hơn cả sữa tươi sạch.
Tại hội nghị, TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng IPSARD khẳng định, ứng dụng công nghệ cao chính là một trong những yếu tố tiên quyết để xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao.
Hơn 10 năm thực hiện Quyết định 167 của Thủ tướng về phát triển chăn nuôi bò sữa với những biến chuyển nhất định đã khẳng định đường lối đúng đắn của Việt Nam về thay đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp. Trong chăn nuôi bò sữa, ứng dụng công nghệ cao chính là đòn bẩy cho sự phát triển của ngành cả về số lượng và chất lượng.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ NNPTNT, cho biết: Để đẩy mạnh hơn nữa tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững thì cần phải phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung. Việc phát triển nguồn nguyên liệu sữa cũng tương tự, trong giới hạn của tài nguyên đất, tài nguyên nước thì ứng dụng công nghệ cao chính là giải pháp đề tăng chất lượng và số lượng song hành với giữ bền vững môi trường.
Ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KHCN, cho rằng cần nhân rộng mô hình sản xuất, chế biến sữa tập trung, để người dân Việt Nam được hưởng thụ sữa tươi chất lượng cao hơn. Ông Quân đánh giá, thực tế khủng hoảng kinh tế cho thấy đại đa số các doanh nghiệp còn tồn tại và phát triển được là do quan tâm và thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Đây cũng là xu hướng tất yếu để doanh nghiệp tồn tại và phát triển hiện nay.
Nguồn: Đỗ Hương- chinhphu.vn